Ngôn ngữ
Kết nối
CSIP LÀ ĐẠI DIỆN CỦA CÁC TỔ CHỨC PCP VIỆT NAM PHÁT BIỂU TẠI VDPF
  • 05/12/2014

 

CSIP vừa vinh dự là đại diện của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam có bài phát biểu tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2014 (VDPF) - vừa diễn ra sáng nay, 5/12. 

Diễn đàn VDPF có chủ đề “Cải cách thể chế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”. Với chủ đề này, Diễn đàn tập trung vào hai vấn đề chính: Cải cách thể chế và phát triển khu vực tư nhân trong nước.

Bài phát biểu do bà Phạm Kiều Oanh, giám đốc CSIP thực hiện. Đặc biệt, trong đó bà Phạm Kiều Oanh đã đề xuất một số ý kiến quan trọng liên quan tới doanh nghiệp xã hội.

Chi tiết bài phát biểu: 

"Kính thưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thưa đoàn chủ tọa và các quý vị đại biểu.

Đại diện cho các tổ chức phi chính phủ Việt Nam, chúng tôi ủng hộ và đánh giá cao các nỗ lực của chính phủ và các nhà tài trợ trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy hơn 90% doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đa phần các DN này đang phát triển phân tán, năng lực quản lý yếu, việc nhận thức và tuân thủ các chuẩn mực phát triển kinh tế - xã hội – môi trường còn hạn chế. 

Các DNVVN lại là những DN gắn chặt với cộng đồng, chính vì vậy, những yếu kém của các DN này không những làm giảm khả năng cạnh tranh và phát triển của DN trên thị trường quốc tế, mà còn đang trực tiếp hạn chế tiềm năng tác động của nó tới cộng đồng và góp phần làm gia tăng các vấn đề xã hội, môi trường liên quan. 

Các tổ chức PCP Việt Nam trong thời gian qua đã góp phần bảo vệ quyền lợi, tiếng nói của người lao động, nâng cao năng lực quản lý và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế cho các DN nhỏ và vừa tại địa phương. Các tổ chức PCP cũng đưa ra những mô hình kinh doanh sáng tạo kết nối người nông dân với chuỗi giá trị và đáp ứng nhu cầu cơ bản, trực tiếp của cộng đồng. Với tư cách là một đối tác phát triển và để góp phần phát triển khu vực tư nhân tự chủ và bền vững, các tổ chức PCP Việt Nam xin gửi tới chính phủ và các đối tác phát triển ba khuyến nghị như sau:

Thứ nhất: Việc phát triển DN có qui mô vừa để kết nối các nhà sản xuất trong nước và thị trường xuất khẩu là một chiến lược quan trọng. Chúng tôi khuyến nghị chính phủ có chương trình và chính sách cụ thể nhằm khuyến khích và hỗ trợ cho các DN này tìm kiếm và chia sẻ giá trị, lợi ích chung với cộng đồng, đặc biệt các nhóm nghèo như nông dân và người lao động. Chính phủ xem xét việc đưa các qui định về tiếng nói và quyền lợi của người lao động vào trong quy chế hợp tác công tư, trong đó, vai trò của các tổ chức phi chính phủ tại cộng đồng, các hiệp hội ngành nghề và công đoàn được thể chế hóa để đảm bảo quyền lợi cho cả DN và cộng đồng.

Thứ hai: Nhằm gia tăng tính cạnh tranh của DN trung gian có qui mô vừa trong tiếp cận chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu, việc đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về minh bạch và liêm chính trong kinh doanh là rất cần thiết. Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ có hành động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho các DN thực hiện minh bạch và liêm chính trong kinh doanh; tạo cơ chế khuyến khích các sáng kiến thực hành và các DN thực hiện tốt. Tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ tham gia hỗ trợ các DN thông qua hoạt động nghiên cứu, góp ý kiến xây dựng các chính sách, xây dựng các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, và phát huy vai trò giám sát xã hội độc lập.

Thứ 3: Doanh nghiệp xã hội và hàng nghìn các tổ chức phi chính phủ ở địa phương đang được hình thành một cách tự phát để hỗ trợ chính phủ trong nỗ lực giải quyết các thất bại của thị trường. Chính vì vậy, chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh sáng kiến của Bộ KHĐT đưa ra điều khoản qui định riêng về doanh nghiệp xã hội trong Luật doanh nghiệp 2014 vừa được Quốc Hội thông qua. 

Chúng tôi khuyến nghị phát triển những chương trình hành động cụ thể để xây dựng một môi trường hỗ trợ và thúc đẩy DNXH phát triển. Trong đó, đưa các cơ chế khuyến khích hỗ trợ DNXH vào Luật Hỗ trợ DNNVV đang được xây dựng và tiếp tục xây dựng các chính sách khác. 

Cụ thể tập trung vào: 
i/tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của nhà nước và tư nhân phù hợp với DNXH;
ii/ nâng cao năng lực cho các dự án khởi nghiệp góp phần giải quyết vấn đề xã hội tại địa phương;
iii/ có qui định về miễn hoặc giảm thuế thu nhập DN cho từng nhóm đối tượng DNXH cụ thể để khuyến khích các DNXH này tái đầu tư lợi nhuận vào mục tiêu xã hội. Chúng tôi cũng khuyến nghị chính phủ xem xét bổ xung các tiêu chí về tác động xã hội và môi trường vào danh mục ưu đãi khi chọn nhà thầu theo Luật đấu thầu 2013.

Kính thưa Thủ tướng và các vị đại biểu, Chính phủ Việt Nam đã có chính sách rõ ràng về phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những chính sách phát triển DN tư nhân theo kinh tế thị trường thì những điểm yếu hay thất bại của thị trường cần có một hệ thống điều chỉnh phù hợp. Chúng tôi kính mong Thủ tướng, đại diện các cơ quan chính phủ và các đối tác phát triển ủng hộ ba khuyến nghị trên của đại diện các tổ chức PCP Việt nam vì mục tiêu chung: phát triển khu vực kinh tế tư nhân tự chủ và bền vững thực sự."

Tin Mới
Từ Khóa Phổ Biến