Ngôn ngữ
Tin tức
DỰ ÁN HỖ TRỢ CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG SỐNG CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TẠI CÁC TỈNH ƯU TIÊN (INCLUSION)
  • 01/03/2023

Nội dung văn bản này được biên soạn từ phần Hỏi đáp tại Buổi họp cung cấp thông tin của Đề xuất sáng kiến diễn ra ngày 24/2/2023 trực tuyến trên nền tảng Zoom với sự tham gia của khoảng 10 đại diện từ các đơn vị quan tâm.

Hỏi: Văn phòng doanh nghiệp không nằm ở địa bàn của dự án thì có hợp lệ không?

Đáp: Địa bàn của Đề xuất sáng kiến là cả nước, ưu tiên các mô hình/sáng kiến triển khai trực tiếp tại Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh. Đề xuất sáng kiến này không yêu cầu hay hạn chế văn phòng của tổ chức nằm ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam.

 

Hỏi: Chúng tôi có văn phòng ở Hà Nội và muốn làm dự án ở các địa bàn khác thì CSIP sẽ hỗ trợ thủ tục hành chính thế nào?

Đáp: CSIP sẽ hỗ trợ về thủ tục hành chính tối đa cho các đơn vị được lựa chọn. Dự án Hòa nhập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 1276/QD-TTg ngày 20/7/2021. Đây là tiền đề thuận lợi cho đơn vị triển khai hoạt động dự án.

 

Hỏi: Chỉ tiêu tối thiểu bao nhiêu người khuyết tật được hỗ trợ trong gói đề xuất này?

Đáp: Đề xuất sáng kiến mong muốn tìm kiếm các sáng kiến mô hình kinh doanh tạo việc làm cho người khuyết tật. CSIP không đưa ra chỉ tiêu số người khuyết tật được tạo việc làm.

 

Hỏi: Tiêu chí đánh giá đề xuất sáng kiến cụ thể là gì?

Đáp: Trong hoạt động này CSIP tìm kiếm sáng kiến, ý tưởng, dự án đã triển khai, mô hình kinh doanh đã khẳng định được một phần kết quả và giờ mong muốn có thêm hỗ trợ từ CSIP. Các tiêu chí đánh giá bao gồm:

 

Tiêu chí 1: CSIP tìm kiếm mô hình kinh doanh sáng tạo, sáng kiến có thể gỡ bỏ các rào cản để người khuyết tật và gia đình họ tiếp cận với việc làm, tăng cường thu nhập và cải thiện sinh kế.

 

Tiêu chí 2: Sáng kiến cần có tính khả thi và có tiềm năng mang lại tác động về việc làm, sinh kế cho người khuyết tật và gia đình họ.

 

Tiêu chí 3: Khả năng của tổ chức thực hiện sáng kiến trong vòng từ 4 đến 6 tháng, đạt kết quả, chỉ ra điểm thành công của sáng kiến và khả năng nhân rộng ra địa bàn dự án trong tương lai.

 

Hỏi: Chi phí cho tư vấn và giảng viên trong các khóa tập huấn có được tính là chi phí trực tiếp của dự án không?

Đáp: Chi phí phục vụ cho mục tiêu của dự án đều được tính là chi phí trực tiếp.

 

Hỏi: Chi phí hỗ trợ đi lại cho người khuyết tật có hợp lệ hay không?

Đáp: Chi phí cho người khuyết tật đi lại tùy thuộc vào diễn giải của tổ chức về sự cần thiết của chi phí hỗ trợ đi lại cho người khuyết tật khi trình bày trong đề xuất sáng kiến.

 

Hỏi: Dự án có định mức chi tiêu không?

Đáp: CSIP mong muốn tìm kiếm các sáng kiến, có thể chưa có tiền lệ hoặc chưa từng được thực hiện mà dựa trên giả định hoặc kinh nghiệm của các tổ chức nộp đơn đề xuất. Do vậy, CSIP không đưa ra khung định mức chi phí tài chính mà tùy thuộc vào diễn giải của tổ chức về sự cần thiết của các chi phí. Định mức các chi phí  có thể dựa trên các quy định của đơn vị nộp đề xuất hoặc các quy định của nhà nước .

 

Hỏi: Thời gian dự án đến 30/9/2023. Vậy các hoạt động sẽ cần kết thúc vào ngày 30/9 hay toàn bộ các thanh toán phải hoàn tất vào ngày 30/9?

Đáp: CSIP kỳ vọng tất cả các hoạt động sẽ kết thúc trước ngày 30/9 và các đơn vị sẽ có từ 5 ngày tới 1 tuần để hoàn thiện các báo cáo cũng như các thủ tục hành chính liên quan.

 

Hỏi: Sau khi ký hợp đồng thì CSIP có thể được chuyển trước bao nhiêu % hay các đơn vị phải ứng tiền trước để thực hiện hoạt động?

Đáp: Các khoản tài trợ sẽ được ký theo hình thức Khoản Tài trợ cố định (Fixed Amount Awards, theo quy định của USAID và CSIP). Đơn vị nhận tài trợ sẽ được thanh toán theo tiến độ hoàn thành các sản phẩm đầu ra (Milestones). Khi các đơn vị nộp các sản phẩm đầu ra CSIP sẽ đánh giá và thanh toán khi sản phẩm đạt yêu cầu theo các cam kết đã ký giữa 2 tổ chức. CSIP cố gắng thanh toán nhanh các sản phẩm ban đầu để các đơn vị có kinh phí thực hiện các hoạt động tiếp theo.

 

Hỏi: Sau khi nộp đề xuất đơn vị có cần tham dự một cuộc họp nào khác để bảo vệ ý tưởng của mình hay không?

Đáp: Ban đánh giá sẽ thực hiện xem xét và đánh giá các đề xuất. Nếu cần thông tin thêm thì CSIP sẽ tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các đơn vị nộp đề xuất. Do đó các đơn vị không cần phải di chuyển.

 

Hỏi: Chế độ báo cáo được thực hiện như thế nào?

Đáp: CSIP tuân thủ các chế độ báo cáo của nhà tài trợ và chủ dự án. CSIP sẽ gửi mẫu để các đơn vị hoàn thiện.

 

Hỏi: Yêu cầu về giám sát đánh giá như thế nào?

Đáp: Các đơn vị đề xuất các phương án giám sát và đánh giá trong đơn đề xuất sáng kiến. Sau khi được lựa chọn,  CSIP cũng sẽ hỗ trợ các đơn vị lên kế hoạch giám sát đánh giá chi tiết.

 

Hỏi: Dự án có thể chia sẻ mẫu hồ sơ và mẫu tài chính ở định dạng có thể biên soạn không?

Đáp: Các đơn vị nộp đề xuất có thể tham khảo mẫu hồ sơ và mẫu tài chính ở đường dẫn sau:

 https://drive.google.com/drive/folders/1NlM5-QI5ltPjqCsnczW9PiacUS9NJvQB?usp=share_link

 

---

Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng - CSIP là tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Được thành lập từ năm 2008, CSIP tìm kiếm và đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nhân và Doanh nghiệp xã hội (DNXH) đang áp dụng các giải pháp kinh doanh bền vững nhằm giải quyết các thách thức xã hội và môi trường.


Dự án Hỗ trợ Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam (Dự án Hòa nhập) là một dự án do USAID/Việt Nam tài trợ và Trung tâm Hành động Quốc gia Khắc phục Hậu quả Chất độc Hóa học và Môi trường (NACCET) là chủ dự án.


CSIP là nhà thầu quản lý chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động tại 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh (Dự án Hòa nhập 3).


Trong khuôn khổ dự án Hòa nhập 3, CSIP mong muốn tìm kiếm và hỗ trợ từ 3 tới 4 sáng kiến kinh doanh có khả năng tạo việc làm cho người khuyết tật và gia đình một cách bền vững, phù hợp với điều kiện của người khuyết tật và có thể nhân rộng. Chúng tôi khuyến khích và ưu tiên cho các sáng kiến:


- Các sáng kiến do nữ làm chủ (có thành viên nữ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo chủ chốt hoặc chiếm ít nhất 30% cổ phần), và hoặc các sáng kiến hướng tới tạoma việc làm cho phụ nữ khuyết tật và gia đình họ
- Tạo việc làm số: nâng cao năng lực, gỡ bỏ rào cản để người khuyết tật và gia đình có thể làm việc và cải thiện thu nhập từ việc làm số


- Ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực, giảm thiểu những rào cản vật lý và phi vật lý cho người khuyết tật và gia đình tham gia thị trường lao động một cách bình đẳng


- Các sáng kiến có khả năng thu hút lao động là người khuyết tật và gia đình đang sinh sống tại Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh


☘️ Thông tin chi tiết về đề xuất sáng kiến, vui lòng xem tại:

https://drive.google.com/.../1_oCeYC8pkAr9oxXL8XsKQh.../view

☘️ Thời hạn nộp hồ sơ: chậm nhất vào lúc 17h00, ngày 06/3/2023


☘️ Các đơn vị nộp hồ sơ gửi bản mềm qua địa chỉ email: procurement@csip.vn , HOẶC gửi bản in tới Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng, Địa chỉ: Phòng 2302, 101 Láng Hạ, Hà Nội, Việt Nam trước 17h00, thứ Hai, ngày 6 tháng 3 năm 2023.

Mọi thắc mắc vui lòng gửi đến địa chỉ: procurement@csip.vn hoặc liên hệ 024 3537 8746