- Array
- 05/01/2019
Sinh ra và lớn lên nơi miền Tây sông nước, anh Nguyễn Hoàng Cung - Chủ tịch HĐQT công ty TNHH SX-TM-DV theo đuổi con đường nông nghiệp sinh thái thuận tự nhiên. Bằng việc cung ứng giải pháp vi sinh và hoạt chất sinh học trong canh tác nông nghiệp cho đến bao tiêu sản phẩm đầu ra, anh Cung đã và đang từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản nhằm chắp cánh nông sản sinh thái Việt vươn ra biển lớn.
Xuất thân là một người nông dân lớn lên giữa vựa lúa – Đồng bằng sông Cửu Long vào những năm 1970, anh Cung đã từng ước mơ thoát khỏi cuộc sống vất vả của nông dân. Nhưng chính nhân duyên với nghề nông đã đưa anh Cung đến với sự nghiệp nghiên cứu công nghệ sinh học, nông hóa thổ nhưỡng hiện nay.
Bắt đầu từ những năm 1960, phương pháp sản xuất thâm canh đã giúp miền Tây đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo và trái cây hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, nông dân nơi đây đang phải chịu đựng hậu quả của hàng chục năm sản xuất thâm canh ô nhiễm nguồn nước, đất bạc màu do không được nghỉ ngơi tái tạo trong khi chất lượng cây trồng ngày càng đi xuống.
Vốn là một nhà nghiên cứu thổ nhưỡng, anh Cung hiểu rõ những gì hóa học đã làm trong hàng chục năm qua. Anh rất bất ngờ khi nhận thấy nông dân ở Thái Lan, New Zealand có đời sống khá giả nhờ năng suất cây trồng cao nhưng không phải lệ thuộc hoàn toàn vào hóa chất.
Như một sự sắp đặt, tại thời điểm đó, anh được tiếp cận với trái cây được trồng bằng phân vi sinh từ các nhà sinh học. Anh giật mình khi nếm thử trái cây vi sinh có vị ngon không thua kém trái cây sử dụng phân hóa học thông thường.
Anh tin rằng, phân vi sinh là chìa khóa để phục hồi và tận dụng các điều kiện tự nhiên của Việt Nam để tạo ra sản phẩm nông nghiệp hương vị độc nhất vô nhị.
Năm 2011, anh Nguyễn Hoàng Cung cùng nhóm chuyên gia công nghệ sinh học và nông hóa thổ nhưỡng thành lập công ty TNHH SX – TM – DV Vua Vi Sinh (VVS). Hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp là cung cấp sản phẩm, giải pháp vi sinh và hoạt chất sinh học phục vụ canh tác nông nghiệp.
Như bao công ty khởi nghiệp từ ý tưởng mới, VVS vô danh phải đối chọi với những ông lớn nước ngoài của ngành phân bón. Cùng với đó, người nông dân vẫn dè chừng với nhà khoa học. Với thu nhập treo theo từng vụ, họ không thể đợi thử nghiệm thực tế đến ngày kết trái đơm hoa.
Nhưng anh Cung không chỉ là một nhà khoa học đơn thuần, xuất thân từ nghề nông đã giúp anh có tiếng nói chung với người nông dân. Anh ra đồng, thuê lại mảnh đất nhỏ của nông dân và bắt tay trồng song song cùng họ. Thực tế đã chứng minh nhiều nông dân cảm thấy thuyết phục trước sự phát triển của cây trái anh trồng, đồng ý sử dụng sản phẩm của VVS và trở thành đại sứ của loại phân sinh học này.
Hiện nay, sản phẩm của VVS được bán ở hơn 500 đại lý, 80% chủ đại lý là nữ, 30% là người thu nhập thấp.
Đây mới chỉ là một nửa câu chuyện thành công của anh Cung. Bước cuối cùng để hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản giữa nông dân, thương nhân, nhà khoa học và đưa “ nông sản sinh thái” vươn ra biển lớn của anh nằm ở Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên (ĐTT). Thành lập 2015, ĐTT là mối liên kết chiến lược với công ty VVS để giám sát kỹ thuật và kiểm soát toàn bộ đầu vào; đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quản lý chất lượng trên toàn bộ chuỗi giá trị.
Ban đầu, ĐTT vừa bán sỉ và bán lẻ để nhiều người biết đến trái cây sinh thái. Tuy nhiên, cơ chế vận hành khổng lồ, dàn trải càng gia tăng sức ép lên công ty. Với 20 nhân viên làm việc suốt ngày đêm công ty vẫn rối như tơ vò và đôi lúc bị hụt hơi.
Cùng với đó, VVS mặc dù đã xác định được thế mạnh cạnh tranh chủ lực trên năng lực nghiên cứu sản xuất. Doanh nghiệp đã tự sở hữu công nghệ vi sinh, bí quyết kỹ thuật và giải pháp; thu hút và duy trì được đội ngũ chuyên gia nghiên cứu, đam mê với nghề. Tuy nhiên, anh Cung cũng gặp vướng mắc trong quản trị tài chính, vận hành.
Chiến lược kinh doanh cho hai công ty đã có nhưng cần tương thích với chiến lược phát triển và tầm nhìn đưa ra. Nhờ một người bạn giới thiệu, anh đã tham gia dự án EFD của Oxfam và CSIP. Anh Cung cho biết: “Chính quyết định này đã thúc đẩy những thay đổi quan trọng trong doanh nghiệp của anh”.
Sau một năm đồng hành cùng dự án EFD 2017 - 2018, đối với VVS các chuyên gia của EFD tư vấn công ty cần xây dựng lại cơ cấu tổ chức - ma trận công việc rõ ràng, thiết lập BCS - KPIs giúp toàn thể nhân viên thấy rõ vai trò - trách nhiệm trở thành hạt giống đóng góp vào sự ổn định, lớn mạnh của doanh nghiệp.
Đối với ĐTT, việc cần làm là chuyên môn hóa phân phối sản phẩm, tập trung nguồn lực vào thị trường bán buôn, xuất khẩu. Cùng với đó, doanh nghiệp cần chuẩn hóa hệ thống nội bộ tốt hơn.
Song song với gói tư vấn chuyên sâu, các khóa đào tạo tập trung của dự án về xây dựng thương hiệu sản phẩm giúp anh nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc giữ gìn và xây dựng thương hiệu gắn với tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp.
Quả nhiên, sau khi tái cấu trúc, công ty không chỉ vận hành trơn tru hơn, việc chuyên môn hóa giúp ĐTT tăng doanh thu lên gấp bốn lần, đạt 1 tỷ đồng mỗi tháng.
Gần đây, nông sản ĐTT đã vươn ra các thị trường khó tính trong khu vực như: Hàn Quốc, Nhật Bản, anh tiếp tục đàm phán thỏa thuận xuất khẩu sang châu Âu. Cột mốc mới này đạt được nhờ việc kết nối với DACE, một doanh nghiệp khác cùng tham gia EFD. Đó là điều khiến EFD khác biệt với các dự án khác: “EFD đã tạo được một hệ sinh thái”.
Kết thúc chặng đường một năm đồng hành cùng dự án, anh Cung đã xác định rõ con đường đi cho VVS và ĐTT: trở thành đối tác cung ứng uy tín số 1 khu vực ĐBSCL cho các đơn vị kinh doanh thực phẩm an toàn, sinh thái trong và ngoài nước.
--------------------------------------
Download Tờ thông tin và bản đăng ký EFD 2: http://bit.ly/InfokitEFD2_2018
Tìm hiểu về dự án EFD (Giai đoạn 2015 – 2018): http://bit.ly/EFD2015-2018
Clip Giới thiệu dự án EFD giai đoạn 1: https://youtu.be/vq_GCncbuBY
CÁCH THỨC THAM GIA
Doanh nghiệp mong muốn tham gia xin mời gửi bản đăng ký về Dự án:
- Cách 1: Điền thông tin đăng ký tại phiếu đăng ký online: http://bit.ly/DangkyonlineEFD2_2018
- Cách 2: Điền thông tin vào bản đăng ký theo mẫu (Download tại http://bit.ly/InfokitEFD2_2018), sau đó gửi tới email efd@csip.vn; hoặc tới địa chỉ sau:
Dự án EFD 2
Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ cộng đồng
P2302, Tòa nhà 101 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội | Tel: (+84-4) 3537 8746
Thời hạn nhận Hồ sơ đăng ký: 10 tháng 01 năm 2019
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Ms. Nguyễn Thị Hương Thuỷ | Cán bộ dự án
huongthuy@csip.vn hoặc efd@csip.vn | Điện thoại: (+84-4) 3537 8746