Ngôn ngữ
Tin tức
DỰ ÁN “HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP KINH DOANH TẠO TÁC ĐỘNG TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ NÔNG NGHIỆP - EFD”
  • 06/10/2017

Trở về Việt Nam sau 20 năm bôn ba ở Nga, năm 2010, ông Nguyễn Trương Nghĩa và bà Vũ Thị Hồng Loan đã thành lập Công ty Cổ phần chế biến Nông sản Việt Xanh với mong muốn mang nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế. Sau gần 7 năm thành lập, sản lượng xuất khẩu của Việt Xanh đã đạt trung bình 1500 tấn/năm với doanh thu lên đến 1 triệu USD/năm. 100% sản phẩm của công ty như dứa và rau củ quả đóng lon được xuất khẩu sang thị trường Nga, Úc và Maroc. Câu chuyện đằng sau doanh nghiệp này có gì thú vị? Những người phụ nữ lặng lẽ đằng sau thành công của doanh nghiệp triệu đô này là ai? Hãy cùng chúng tôi khám phá Việt Xanh – 1 trong 13 doanh nghiệp tham gia dự án EFD 2016 – 2017 nhé.

Giới thiệu chung về Việt Xanh (Ảnh: CSIP)

Theo chân các tư vấn của dự án Hỗ trợ Doanh nghiệp vì mục đích phát triển (EFD) về Chợ Dầu, xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình vào một ngày mưa gió, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự nồng hậu của lãnh đạo Công ty Cổ phần chế biến nông sản Việt Xanh. Mặc dù đã là doanh nghiệp với doanh thu triệu đô, sản lượng xuất khẩu luôn duy trì ở mức ổn định nhưng ông Nguyễn Trương Nghĩa – Giám đốc Công ty Việt Xanh luôn bày tỏ sự cầu thị, tinh thần học hỏi và trân trọng những góp ý của đội ngũ tư vấn của Oxfam và CSIP với doanh nghiệp mình.

Các sản phẩm của Công ty Việt Xanh (Ảnh: CSIP)

“Bao nhiêu năm lăn lộn nơi xứ người, đã từng sống trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên tôi hiểu rất rõ nhu cầu mặt hàng rau củ quả tại Nga hay Châu Âu. Do sự khác biệt về vùng khí hậu, mùa vụ, khác biệt về chủng loại rau quả nên các mặt hàng rau quả của Việt Nam như dưa chuột, dứa… rất được ưa chuộng.” Ông Nghĩa đã bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy khi hồi tưởng về quãng thời gian sinh sống tại Nga và cơ duyên khiến ông thành lập Việt Xanh.

Không lâu sau đó, giấc mơ mang nông sản Việt ra thế giới của người con xa xứ đã thành hiện thực khi vợ chồng ông Nghĩa quyết định trở về Việt Nam và thành lập công ty Việt Xanh. Ông Nghĩa khi đó đã chọn huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, một trong những tỉnh có vùng nguyên liệu dứa lớn và tốt nhất Việt Nam để xây nhà máy chế biến. Ông Nghĩa cho biết: “Huyện Yên Khánh có lợi thế trong việc kết nối với các vùng nông sản khác nhau như vùng rau củ ở Yên Khánh, Yên Mô hay vùng dứa ở Nho Quan, Tam Điệp. Không những vậy, ở đây cũng thuận tiện để chúng tôi thu mua dứa tại Nghệ An, Thanh Hóa và Lào Cai. Vị trí địa lý thuận lợi không những giúp công ty duy trì được nguồn nguyên liệu ổn định mà còn tiết kiệm được chi phí vận tải.”

Về chiến lược kinh doanh, ngoài dứa đóng lon, cà chua và dưa chuột cũng là các sản phẩm rau củ quả chủ đạo để phục vụ xuất khẩu. Các loại nguyên liệu này được lấy từ vùng nguyên liệu hơn 60 ha do Việt Xanh đầu tư trực tiếp. Việt Xanh cũng chọn mô hình hợp tác với nông dân như thuê đất của các nông hộ, đầu tư hạ tầng sản xuất, tuyển dụng nhân công sản xuất từ chính các nông hộ cho thuê đất để làm việc tại các trang trại. Nhờ vào hình thức hợp tác đó, công ty góp phần hỗ trợ các nông hộ chuyển đổi canh tác thành công từ trồng lúa sang trồng hoa màu, mang lại thu nhập cao và ổn định hơn cho nông dân.

Tác động xã hội của Công ty Việt Xanh (Ảnh: CSIP)

Tính đến năm 2017, 80 nông hộ trồng dứa tại Ninh Bình và 60 nông hộ trồng dứa tại Nghệ An, Thanh Hóa đã được Việt Xanh hướng dẫn kỹ thuật canh tác đồng thời bao tiêu đầu ra. Thu nhập của các nông hộ nhờ trông dứa vì vậy cũng đã tăng cao gấp 2 lần so với thu nhập từ trống sắn và mía. Không những vậy, Việt Xanh cũng đã hợp tác với 70 nông hộ tại vùng nguyên liệu rau củ như xã Phú Long (Ninh Bình) và Hà Long (Thanh Hóa), giúp nâng cao tổng thu nhập của bà con lên gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa trước đây. Chị Trịnh Thị Mai (48 tuổi), nông hộ nằm trong chuỗi liên kết của Việt Xanh cho biết: “Gia đình chúng tôi có 5 người, 2 vợ chồng tôi và 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Trước đây khi chưa có Việt Xanh cả gia đình chỉ trông chờ vào thu nhập từ mấy sào ruộng. Tôi còn phải đan bèo, đan cói đến 9 -10 h đêm để có thêm thu nhập trang nuôi các cháu ăn học. Từ năm ngoái khi tham gia Việt Xanh, gia đình chúng tôi đã có thu nhập ổn định, không phải đi vay nợ nữa.”

Chị Mai Thị Thanh (53 tuổi) - Công nhân Công ty Việt Xanh (Ảnh: CSIP)

Do tính chất đặc thù của công việc, hầu hết nhân công tại nhà máy Việt Xanh đều là phụ nữ. Nhận thức rõ điều này, ban lãnh đạo Việt Xanh luôn quan tâm, chú trọng đến đời sống tinh thần chị em. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Xanh đã tạo việc làm cho 76 lao động nữ tại nhà máy, 85% trong số đó là phụ nữ trung niên từng không có việc làm ổn định. 92 việc làm trực tiếp tại vùng nguyên liệu rau củ đã được bố trí cho các lao động nữ, 20% trong số đó là phụ nữ đơn thân đang tạo thu nhập chính nuôi gia đình. Chị Lan Anh, người mẹ đơn thân của hai đứa con nhỏ đã xúc động kể lại những ngày vào Việt Xanh: “Tôi bị tai nạn xe máy, chân đi khập khiễng và mất sức lao động. Sau biến cố đó, vợ chồng chúng tôi ly hôn. Tôi một mình nuôi hai con nhỏ. Cuộc sống với tôi lúc đó là những chuỗi ngày gần như tuyệt vọng khi không xin được việc, không nơi nào nhận tôi cả. Thật may mắn là sau đó, Việt Xanh đã nhận tôi vào tổ dịch vụ. Tôi rất vui vì từ đây mình đã có công việc ổn định để nuôi các con.”

Chị Trịnh Thị Mai (48 tuổi) - Công nhân Công ty Việt Xanh (Ảnh CSIP)

Mặc dù có nhiều năm lăn lộn trên thương trường nhưng ông Nghĩa cũng thừa nhận rằng việc kinh doanh trên thực tế có rất nhiều thách thức. “Đội ngũ quản lý của chúng tôi chưa được đào tạo bài bản về kinh doanh, việc quản lý – vận hàng chủ yếu theo kinh nghiệm mà thôi. Chúng tôi cũng đang lo ngại việc mở rộng nhà máy sẽ khiến chúng tôi lúng túng hơn trong việc quản trị công ty, và thực tế chúng tôi tập trung rất nhiều vào kinh doanh nên không có đủ thời gian và kinh nghiệm để xây dựng quy trình vận hành chuyên nghiệp.”

Ông Nguyễn Trương Nghĩa - Sáng lập, Giám đốc Công ty Việt Xanh (Ảnh: CSIP)

Công ty Việt Xanh đang trong giai đoạn mở rộng sản xuất – kinh doanh, tới cuối năm 2017 dự kiến sẽ vận hành nhà máy mới với công suất tăng gấp 3 lần hiện tại, đồng thời mở rộng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Ban lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức rõ rằng cách thức và kinh nghiệm quản trị hiện tại của doanh nghiệp chính là điểm hạn chế sự phát triển bền vững khi doanh nghiệp phát triển mở rộng trong dài hạn. Đầu tư cho con người và nâng cao năng lực quản lý – điều hành, là một chìa khoá quan trọng cho tăng trưởng thực chất và bền vững.

Tham gia vào EFD, Công ty Việt Xanh đã được cung cấp các khóa đào tạo về quản trị chiến lược, chiến lược truyền thông thương hiệu, nhân sự cũng như quản trị nhân sự cho doanh nghiệp nhỏ. Ngoài các khoá đào tạo chung, công ty Việt Xanh đã nhận được gói tư vấn đồng hành tương đương 280 giờ làm việc của các chuyên gia tư vấn nhằm xây dựng hệ thống thông tin quản lý cũng như quản trị nhân sự cho doanh nghiệp. Hệ thống thông tin quản lý kỳ vọng sẽ giúp chủ doanh nghiệp có cơ sở ra quyết định để quản trị hiệu quả hơn trên quy mô, tối ưu hoá nguồn lực và quản trị rủi ro, đây cũng là khung lõi để xây dựng quy trình ISO cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác quản trị nhân sự được hoàn thiện, có quy trình tài liệu bài bản, có thể đáp ứng các chuẩn mực quốc tế sẽ giúp Việt Xanh tăng cường được lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt, việc tiến hành đánh giá tác động xã hội cũng đã được triển khai nhằm giúp doanh nghiệp hiểu và ghi nhận TĐXH phù hợp, thường xuyên, giúp truyền cảm hứng và thu hút hợp tác và đầu tư của các bên liên quan.

Đánh giá lại quá trình tham gia EFD, ông Nghĩa chia sẻ: “Tôi thấy mình đã thay đổi tư duy về tổ chức doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi mà Việt Xanh tiến hành đầu tư mở rộng sản xuất. Các giảng viên và tư vấn của dự án EFD đã giúp chúng tôi hiểu rõ mình đang thiếu gì, cần gì để phát triển. Đồng thời, dự án cũng đã giúp tôi ý thức hơn về các vấn đề xã hội và hiểu thế nào là doanh nghiệp có tác động xã hội. Chúng tôi tự hào vì Việt Xanh cũng là một doanh nghiệp như thế.”

Giấc mơ nông sản Việt đã được ông Nghĩa khởi động những bước đi đầu tiên rất vững chắc và thành công, Oxfam in Vietnam và CSIP tin tưởng rằng, với những định hướng chiến lược từ các chuyên gia tư vấn, lãnh đạo công ty Việt Xanh áp dụng tư duy quản trị, hướng tới quản lý chuyên nghiệp hơn, từ đó phát triển bền vững hơn ở tầm trung hạn và dài hạn, giúp đỡ được nhiều người yếu thế hơn nữa trong xã hội.

Để tham gia EFD 2017 – 2018, quý doanh nghiệp vui lòng xem thông tin tại:
Download Tờ thông tin Chương trình EFD 2017 – 2018:http://bit.ly/Tothongtin_EFD2017 
Download Bản đăng ký: http://bit.ly/Bandangky_EFD2017 
Link đăng ký online: http://bit.ly/Bandangkyonline_EFD2017 
Hạn nộp đăng ký tham gia: 31/10/2017
Liên hệ: Email: efd@csip.vn | Điện thoại: (+84-24) 3537 8746
-------
Dự án EFD do Oxfam và CSIP triển khai từ năm 2014 với mục đích hỗ trợ các đối tượng yếu thế như hộ nông dân quy mô nhỏ, phụ nữ và thanh thiếu niên nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập hoặc được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống. Dự án EFD thực hiện mục tiêu này thông qua nâng cao năng lực quản trị, tư vấn về quản trị và phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tạo ra các tác động tích cực lên các nhóm đối tượng yếu thế trong chuỗi giá trị của họ, giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, từ đó mang lại tác động bền vững cho cộng đồng.