Ngôn ngữ
Tin tức
DỰ ÁN “HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP XÃ HỘI VÌ SỰ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SÁNG TẠO VÀ BỀN VỮNG - SERD”
  • 16/08/2018

Cô Toan lấy ra từ trong tủ chiếc cạp váy đã cũ màu tím, không giống các sản phẩm cạp váy phổ biến hiện giờ. Cô nói đó là chiếc cạp váy của mẹ cô tự tay làm ra. Cạp váy của người Mường ngày xưa được dệt nên từ tơ tằm, được nhuộm bằng lá cây tự nhiên nên màu nhanh phai hơn. Cạp váy bây giờ được dệt nên từ chỉ màu, được sản xuất công nghiệp nên màu sắc được lâu hơn, vì kích thước chỉ đều nên hoa văn cũng sắc nét hơn. Cạp váy được bày bán ở các chợ của người Mường hiện giờ hoa văn cũng đa dạng hơn xưa nhất nhiều.

Ảnh: Sản phẩm thổ cẩm của Làng Lục được bày bán tại phiên chợ (Do TTS thuộc dự án chụp)

 

Trong quá khứ, làng Lục có nghề dệt. Những người phụ nữ trong gia đình tự làm mọi công đoạn từ trồng bông, nuôi tằm cho đến se sợi, dệt vải để làm ra tấm vải may quần áo hoặc làm vỏ chăn. Tuy nhiên, hiện tại ở làng Lục chỉ còn khoảng dưới 10 người biết nhặt hoa văn, gọi là các tổ trưởng. Cô Lán và cô Toan là những người đầu tiên làm sống lại nghề dệt tại làng Lục và dạy lại cho những tổ trưởng khác. Nghề dệt đồng thời cũng giúp đem lại một nguồn thu đỡ đần cho những hộ dân ở trong làng vốn chỉ chủ yếu có nghề nông, đi làm thuê công nhật hoặc đi làm xa xứ. Các tổ trưởng bắt đầu bằng việc đi tìm nguồn nguyên liệu, dạy lại cho nhau kiến thức dệt, rồi đem ra chợ bán các sản phẩm đầu tiên. Hiện giờ, sau gần 10 năm, các tổ trưởng đã có các mối hàng ổn định. Các tổ trưởng thực hiện kinh doanh các sản phẩm dệt thổ cẩm từ việc mua nguyên liệu đầu vào, mắc khung, nhặt hoa văn rồi thuê các thành viên trong tổ dệt lại. Thành viên của mỗi tổ dệt đa dạng mọi lứa tuổi, từ học sinh cấp 2 cho đến các cụ già. Các thành viên tranh thủ thời gian rảnh, lúc nông nhàn, mỗi ngày từ 1-2 tiếng hoặc có khi thức đêm để hoàn thành nhanh khung dệt. Thời gian trung bình để dệt ra một khung 100m là từ 5-6 tháng, với thù lao nhận được từ 1 đến 2 triệu tuỳ theo mức độ khó của hoa văn.

Ảnh: Quy trình dệt vải (Do TTS thuộc dự án chụp)

 

Trong làng Lục, bên cạnh các tổ trưởng hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể, còn có Công ty TNHH 1 thành viên Lục nghiệp Thành được thành lập từ năm 2010 do cô Bin làm Giám đốc. Trong số 6 tổ trưởng tham gia vào dự án hỗ trợ DNXH cộng đồng của CSIP cùng với doanh nghiệp thổ cẩm Lục Nghiệp Thành, có 2 tổ trưởng không biết chữ và hầu hết các tổ trưởng đều không biết cách ghi chép sổ sách và tính toán chi phí cho mỗi đơn vị sản phẩm. Hầu hết các tổ trưởng đều thiếu vốn nên không thể mở rộng sản xuất mặc dù nhiều khi các cô thiếu hàng, không sản xuất kịp để bán. Đối với Lục Nghiệp Thành, công ty nhận được một số máy dệt cải tiến được tài trợ từ nhiều dự án, tuy nhiên công ty còn chưa quen và chưa đưa các máy vào hoạt động.

Các chuyên gia của CSIP đã giúp các cô xây dựng kế hoạch kinh doanh, bước đầu làm quen với các khái niệm như nghiên cứu thị trường, phát triển và định giá sản phẩm, tính toán lợi nhuận sau khi đã trừ đi các chi phí cấu thành nên sản phẩm, bao gồm các chi phí lương, khấu hao, nguyên vật liệu…Trước đây, các cô chỉ ước chừng chi phí làm ra sản phẩm để định giá, tuy nhiên, sau khi được các chuyên gia tính lại, các cô nhận ra một số sản phẩm được định giá quá thấp và gây ra lỗ trong suốt thời gian qua. Nhờ đó, các cô đã điều chỉnh lại giá của một số dòng sản phẩm và thu được lợi nhuận cao hơn.

Ảnh: Quy trình dệt vải (Do TTS thuộc dự án chụp)

 

Với sự sát cánh của các chuyên gia và cán bộ trẻ của CSIP, các cô cũng yên tâm hơn và tin tưởng nhiều hơn vào nghề dệt truyền thống mà các cô đang gìn giữ. Con đường phía trước mặc dù còn dài, nhưng các cô vẫn đang được làm những việc mà các cô yêu thích, ngày ngày tỉ mỉ dệt nên những tấm vải thổ cẩm hoa văn rồng phượng sẽ được phân phối đi các ngả, đến với các chợ, các vùng đất của người Mường ở vùng miền núi phía Bắc Việt Nam.
----
Dự án Hỗ trợ Doanh nghiệp xã hội vì sự phát triển nông thôn sáng tạo và bền vững (SERD) là dự án hướng đến trao quyền cho những hạt nhân năng động và những doanh nghiệp xã hội tại cộng đồng nhằm góp phần thay đổi tích cực kinh tế và xã hội địa phương. Đây là các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn mức trung bình, thuộc hai tỉnh Hòa Bình và Lào Cai. Dự án do tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới tài trợ.