Ngôn ngữ
Tin tức
DỰ ÁN “HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP XÃ HỘI VÌ SỰ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SÁNG TẠO VÀ BỀN VỮNG - SERD”
  • 14/08/2018

Ảnh: Chú Năng bên cây bưởi đỏ gần 30 năm tuổi (Do TTS thuộc dự án chụp)

 

Trong cái tiết trời đầu xuân se se lạnh, lất phất mưa phùn, tôi và chú Năng, tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) trồng bưởi hữu cơ Tân Lai, rảo bước trên con đường đầy mùi hoa bưởi đi về phía nhà cụ Út. Cụ Út được mọi người trong làng biết đến là con rể của cụ Năm, người đã mang giống bưởi đỏ về cho vùng đất Tân Lạc này. Từ nhà chú Năng, chỉ cần đi bộ chưa đến 100m là đến nhà cụ. Đến nơi, tôi bị ấn tượng ngay bởi hình ảnh mộ cụ già tay chống gậy, mặt đã có rất nhiều chấm đồi mồi bước ra từ căn nhà vách đất với đầy bụi thời gian. Tôi bước lại gần, cầm lấy đôi bàn tay nhăn nheo, gầy guộc dìu cụ ra ngồi dưới ghế cạnh gốc cây bưởi đỏ đã mấy chục năm tuổi trong vườn. Hỏi ra mới biết cụ năm nay 98 tuổi nên có vẻ như cụ hơi bị nặng tai nhưng cụ vẫn còn minh mẫn lắm. Khi được hỏi về nguồn gốc cây bưởi, cụ trầm ngâm kể cho tôi và chú nghe. Cụ bảo: "Ngày xưa, không biết cụ Năm là bố vợ của cụ đi đâu về đem theo 2 quả bưởi trong ruột màu đỏ, vỏ màu vàng. Cả nhà cụ ăn thấy ngon quá nên cụ Năm đem hạt đi trồng và lên được 2 cây bưởi". Từ đó 2 cây bưởi lớn lên và chứng kiến bao thăng trầm lịch sử của gia đình cụ.

 

Ảnh: Cụ Út và chú Năng bên ngôi nhà đất xưa (Do TTS thuộc dự án chụp)

 

Tiếng bưởi ngon đồn xa gần, bà con hàng xóm sau đó mỗi người đến xin 1, 2 cành chiết về trồng để ăn chứ không nghĩ gì đến chuyện bán. Sau này, khi đất đai mở rộng, người dân nơi đây nghĩ đến chuyện làm kinh tế nên việc trồng bưởi đỏ trở thành phong trào nơi đây. Cụ bảo, cây bưởi này được trồng đầu tiên ở xã Đông Lai nên chất lượng bưởi ở đây đặc biệt hơn so với bưởi ở xã khác. Chắc do thiên nhiên ưu đãi, cho nơi đây một chất đất phù hợp với việc trồng cây bưởi này. Chứ như một số xã khác cũng lấy giống ở đây về trồng nhưng chất lượng quả không giống như ở đây. Nhìn sang vườn nhà hàng xóm, cụ bảo: trước họ lấy có 2 cây ở bên nhà tôi về thôi đấy mà giờ họ đã có 1 vườn bưởi với mấy chục gốc bưởi rồi đó. Ở nhà cụ bây giờ không còn cây bưởi cổ xưa được gieo từ hạt nữa mà chỉ còn lại cây con cháu chút chít của nó thôi. Nghe câu chuyện kể của cụ rồi nhìn những vườn bưởi đang nở hoa trắng xóa trong khắp làng xã, tôi lại liên tưởng đến sự lan tỏa của một giá trị truyền thống tốt đẹp. Một người có cho đi, rồi cứ cho đi sẽ đến lúc giá trị ấy sẽ được lưu truyền và tồn tại mãi mãi.

 

Ảnh: Những chùm hoa bưởi đang tỏa hương thơm ngát (Do TTS thuộc dự án chụp)

----

Dự án Hỗ trợ Doanh nghiệp xã hội vì sự phát triển nông thôn sáng tạo và bền vững (SERD) là dự án hướng đến trao quyền cho những hạt nhân năng động và những doanh nghiệp xã hội tại cộng đồng nhằm góp phần thay đổi tích cực kinh tế và xã hội địa phương. Đây là các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn mức trung bình, thuộc hai tỉnh Hòa Bình và Lào Cai. Dự án do tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới tài trợ.