-
- 07/08/2018
Để cùng mọi người vượt khó, điều quan trọng không hẳn là tấm bằng trong tay bạn đang có là gì, mà tấm lòng bạn rộng bao nhiêu, sự yêu thương và chia sẻ của bạn mênh mông đến nhường nào. Để làm được những điều to lớn , điều quan trọng không hẳn là kinh nghiệm của bạn có được là bao nhiêu năm, mà là sự quyết tâm của bạn đến đâu, sự mạnh mẽ của bạn đến nhường nào. Có thể bạn không phải là một tiến sĩ, giáo sư, bạn không có 5 năm, 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nào đó, nhưng khi bạn hiểu nỗi khổ của những người dân nghèo không có đủ tiền chi trả cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thì với tấm lòng cao cả của một con người tốt bụng, mạnh mẽ, hoạt bát, bạn có thể làm nên những điều thiết thực giúp ích cho những người còn khó khăn trong cuộc sống đang ở xung quanh bạn, từ những điều nhỏ nhoi, từng chút một. Đó là hình ảnh tôi thấy được ở chị Sùng Thị Lan, một người con mạnh mẽ của vùng rừng núi, một người bạn vui vẻ, hoạt bát của mọi người.
Ảnh do TTS thuộc dự án chụp
Hiện, Dự án dự định sẽ triển khai thiết lập những điểm bán thổ cẩm chuẩn để bà con vừa trưng bày vừa bán được nhiều sản phẩm hơn, mà khách hàng cũng cảm thấy thoải mái, thuận tiện trong việc xem và mua sản phẩm; chị là một trong những hộ mà Dự án sẽ hỗ trợ nên tôi lại có cơ hội được gặp và trò chuyện với chị. Khi hỏi đến chị có mong muốn gì cho cửa hàng trong tương lai không, điều gây ấn tượng nhất trong những ý chị trả lời, là chị muốn mở cửa hàng mới, kinh doanh được nhiều để chị có thể tạo thêm công ăn việc làm cho những người dân quanh đây. Ở đây vẫn còn nhiều người chưa có công việc ổn định, cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn và chị mong chị có thể giúp được họ. Ấp ủ và mong muốn của chị thì có nhiều nhưng tôi thấy những điều ấy đâu chỉ nằm ở tương lai, mà trong hiện tại chị cũng đã làm được những điều ấy rồi: cắt nguyên liệu nhuộm vải, làm hương, làm trà,… bất cứ công việc nào chị làm, chị đều tạo việc làm cho người dân xung quanh.
Ảnh: Chị Lan với công việc dệt may hàng ngày của mình (Ảnh do TTS thuộc dự án chụp)
Ngay cả khi chị đi vận động mọi người trồng giảo cổ lam để nâng cao kinh tế cây trồng, mọi người chưa tin thì chị chủ động đi thu gom của những người có sẵn, đi tìm đầu mối bán ra để chứng minh cho mọi người thấy rằng sản phẩm chắc chắn sẽ tiêu thụ được để mọi người tin tưởng và làm theo. Nhưng không vì thế mà chị chỉ chăm chăm lo cho lợi ích của người dân, người sản xuất mà chị cũng luôn tạo chữ tín, lo cho cả lợi ích của khách hàng. Khi có người nhờ, chị đi tìm đầu mối cho khách hàng cần mua hương trầm với số lượng lớn, nhưng người bán với tâm lý độc quyền, họ kiên quyết không chịu giảm giá ngay cả khi khách mua số lượng nhiều trong thời gian dài, chị không hùa vào để chèn ép người mua. Khách hàng thuyết phục, cũng như thấy rằng có thể tạo thêm việc làm cho một vài người, mặc dù chưa làm hương trầm bao giờ, chưa có đủ vật liệu để làm, chị cũng vẫn đồng ý và bắt tay vào bắt đầu tìm hiểu mày mò, tìm kiếm để làm. Thất bại cũng có, khó khăn, dị nghị cũng có nhưng giờ đây chị cũng đã thành công không chỉ trong việc bán hàng và tạo lòng tin với khách hàng, mà trong cả việc giúp mọi người có thêm công việc mới, có thêm nguồn thu nhập mới. Sắp tới đây khi Dự án hỗ trợ thành công việc thiết lập cửa hàng để bán sản phẩm, tôi tin rằng, đó không phải là hỗ trợ một mình chị mà đã hỗ trợ thêm cho nhiều người nữa vì lợi ích mà chị tìm kiếm được chị không giữ một mình mình mà luôn san sẻ ra cho rất nhiều người xung quanh.
Ảnh: Chị Lan (áo đỏ) cùng tổ may đang sản xuất những sản phẩm thủ công mang đậm dấu ấn người H'mong (Ảnh do TTS thuộc dự án chụp)
Quả là “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, càng đi, bạn sẽ thấy mình học được thật nhiều điều từ những người bạn mới, sẽ thấy được nhiều điều thật đáng quý. Mong rằng ở những nơi nào đó sẽ luôn có những con người tốt bụng và đẹp đẽ như chị để mọi người luôn yêu thương và đồng hành cùng nhau trong mọi hoàn cảnh.
----
Dự án Hỗ trợ Doanh nghiệp xã hội vì sự phát triển nông thôn sáng tạo và bền vững (SERD) là dự án hướng đến trao quyền cho những hạt nhân năng động và những doanh nghiệp xã hội tại cộng đồng nhằm góp phần thay đổi tích cực kinh tế và xã hội địa phương. Đây là các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn mức trung bình, thuộc hai tỉnh Hòa Bình và Lào Cai. Dự án do tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới tài trợ.