Ngôn ngữ
Tin tức
DỰ ÁN “HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP XÃ HỘI VÌ SỰ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SÁNG TẠO VÀ BỀN VỮNG - SERD”
  • 29/08/2018

Ảnh: Nghề se lanh dệt vải của đồng bào Mông thu hút khách du lịch (nguồn ảnh: google)

 

Theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cây lanh và nghề dệt lanh đã luôn là một phần không thể thiếu đối với mỗi người Hmong. Dù họ định cư ở đâu, người phụ nữ Hmong luôn dành một mảnh đất ẩm màu mỡ để gieo hạt lanh, dệt vải khi rảnh rỗi.

Vải lanh truyền thống ngoài ý nghĩa về kinh tế dệt vải còn mang ý nghĩa về văn hóa xã hội. Khéo tay, chăm chỉ dệt vải là một trong những tiêu chuẩn đánh giá tài năng, đạo đức của chị em phụ nữ. Vì vậy người phụ nữ H’mong đen đến tuổi 15 phải biết nghề trồng lanh lấy sợi dệt vải. Theo phong tục người H’mong người chết phải mặc áo ngoài bằng vải lanh linh hồn của con người đó mới được đoàn tụ với tổ tiên.Nghề dệt thổ cẩm của các nhóm dân tộc H’mong có những nét riêng. Mỗi hoa văn mang một ý nghĩa riêng về đời sống thường nhật, về hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình qua nhiều thế hệ muốn vươn lên vượt khó để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính vì những ý nghĩa đó mà nghề dệt thổ cẩm của các nhóm dân tộc H’mong vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngaỳ nay. Tuy nhiên, những sản phẩm dệt lanh thổ cẩm của người H’mong đen còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác gìn giữ và bảo tồn. Đặc thù công việc dệt lanh thổ cẩm các chị thường làm khi rảnh rỗi, năng suất lao động chưa cao, sản phẩm đầu ra không ổn định. Nghề dệt lanh thổ cẩm không phải là nghề tạo ra được thu nhập chính trong gia đình, để mưu sinh các chị cần phải làm nhiều nghề cùng một lúc nên không thu hút được nhiều phụ nữ tham gia nữa.

Đoàn công tác CSIP chúng tôi may mắn được gặp những người mẹ, người chị, người vợ H’mong trong trang phục truyền thống, say mê giải thích về quy trình, ý nghĩa, giá trị của bộ quần áo các chị đang mang. Cả những trăn trở của các chị về công việc vất vả này. Quy trình để làm ra một bộ quần áo trải qua nhiều công đoạn: trồng, thu hoạch, giã sợi, xe sợi, dệt vải, nhuộm màu, thêu hoạt tiết hoa văn có khi đến 2-3 tháng mới làm xong được một bộ quần áo để mặc. Điều đó, khiến cho giá thành cũng cao hơn rất nhiều so với những dệt lanh thổ cẩm công nghiệp của Trung quốc mẫu mã đa dạng, bắt mắt lại rẻ hơn rất nhiều. Các chị cũng nhận ra những sản phẩm làm ra của mình chưa thể thu hút khách du lịch cho kỹ thuật và họa tiết còn thô sơ, chưa đáp ứng thị yếu của khách hàng. Ngay chính bản thân các chị cũng đang dần thay thế trang phục truyền thống bằng những sản phẩm gọn nhẹ, tiện ích hơn.

Chính vì vậy, làm sao để bảo tồn sự đa dạng văn hóa trong vận động của cuộc sống? Chính là câu hỏi mà chúng thôi luôn trăn trở khi thực hiện dự án SERD – Dự án hỗ trợ doanh nghiệp xã hội vì sự phát triển nông thôn bền vững ở hai tỉnh Hòa Bình và Lào Cai. Việc hệ thống hóa lại quy trình dệt lanh thổ cẩm, kết nối chuyên gia hàng đầu trong việc hướng dẫn người dân tối ưu hóa sản phẩm dệt lanh truyền thống, nâng cao nhận thức về đa dạng văn hóa là cách gián tiếp hỗ trợ người H’mong tìm ra con đường bảo tồn chính văn hóa bản sắc dân tộc mình.
----
Dự án Hỗ trợ Doanh nghiệp xã hội vì sự phát triển nông thôn sáng tạo và bền vững (SERD) là dự án hướng đến trao quyền cho những hạt nhân năng động và những doanh nghiệp xã hội tại cộng đồng nhằm góp phần thay đổi tích cực kinh tế và xã hội địa phương. Đây là các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn mức trung bình, thuộc hai tỉnh Hòa Bình và Lào Cai. Dự án do tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới tài trợ.